Sống lâu nhờ ... thiếu thốn


TT - Người thực hiện chương trình truyền hình theo kiểu đố vui để học ở Đức đã cụt hứng khi không tìm được người nào trong số 100 ứng viên đáp đúng câu hỏi: “Cư dân ở địa phương nào thuộc châu Âu có tuổi thọ cao nhất?”.


Người dân Sardinien luôn sống gần thiên nhiên  - Ảnh: www.baurecker.com

Quả thật không dễ tìm được đáp án khi địa danh Sardinien thuộc miền nam nước Ý ít khi được đề cập trên phương tiện truyền thông đại chúng vì cảnh quan chẳng có gì nổi bật để lôi cuốn du khách. Nhưng nếu chỉ trông mặt mà bắt hình dong rồi kết luận vội vàng về giá trị của vùng đất này thì hố nặng. Sardinien chính là nơi có tỉ lệ người sống lâu hơn 100 tuổi cao nhất châu Âu!

Phóng viên của nhiều tạp chí nổi tiếng ở đây tất nhiên dễ gì bỏ qua cơ hội béo bở để mượn trang báo tăng doanh thu. Thế thì nhà báo, cũng như thầy thuốc lão khoa, không hẹn cùng đua nhau khăn gói đến Sardinien hầu tìm cho ra bí quyết sống lâu trăm tuổi.

Sau nhiều tuần vật lộn với đủ thứ máy móc loại kỹ thuật số tối tân, toàn bộ đội ngũ nhà báo và nhà nghiên cứu đành tiu nghỉu khăn gói ra về vì Sardinien không có gì quý, chẳng có gì lạ để có thể kết luận như yếu tố quyết định cho đặc tính “càng già càng dẻo càng dai” của các bậc bô lão trong làng. Đáng tiếc vì ít ai ngờ Sardinien sở dĩ là chiếc nôi của những người sống thọ không vì Sardinien có gì đó, mà do ở vùng đất đó không có nhiều thứ!

Không siêu thị, không ôtô

"Hình ảnh bệnh viện quá tải với người dân Sardinien thật chẳng khác nào chuyện... thần thoại"

Trước hết, cư dân ở Sardinien không ai cần căn hộ có máy điều hòa không khí nhờ khí hậu của vùng cao nguyên lộng gió. Thay vào đó là mái nhà tuy đơn giản nhưng bao giờ cũng với nóc cao và cửa sổ thoáng rộng. Hơn nữa, người ở Sardinien mấy khi phải bó gối trong bốn bức tường chẳng khác ở tù như người dân chốn thị thành. Phòng khách, phòng đọc sách, phòng làm việc... của họ là khoảng không gian tựa vai với thiên nhiên, ngay trong vườn cây thân thương mát rượi, nơi họ đã chôn chặt tất cả tấm lòng từ bao thế hệ.

Thêm vào đó là một món rất khó tìm. Đó là chiếc xe có gắn... động cơ! Phương tiện di chuyển của người dân Sardinien thường là đôi chân hay nhiều lắm là chiếc xe đạp khi cần đi xa cho dù đường sá ở Sardinien quanh co khúc khuỷu. Ấy thế mà thầy thuốc trị bệnh tim mạch ở Sardinien lại rảnh rỗi đến độ phải đánh cờ giải trí cho qua ngày. Khỏi nói thêm cũng biết hình ảnh bệnh viện quá tải với người dân ở đây chẳng khác nào chuyện... thần thoại!

Thêm một món nếu nói khó tìm thì không đúng vì chưa hề có ở Sardinien, đó là siêu thị! Dân Sardinien đúng là “nhà quê” vì chưa hề biết... xếp hàng để mua hàng, chen chúc rồi trả tiền! Với người dân Sardinien thói quen nấu nướng như ông bà xưa nay đã dạy là chuyện đời thường. Không những rau cải, hoa quả, gia vị, mễ cốc... được gieo trồng không cần phân bón hóa học, ngay cả gia súc cũng chưa hề được vỗ béo bằng thực phẩm chế biến công nghệ. Người dân ở đó chắc chắn không cần phải đêm ngủ giật mình vì MCPD, melamine...

Biết cách ăn

Không chỉ với chất lượng của món ăn mà cách ăn cũng thế. Người dân Sardinien bao giờ cũng dành rất nhiều thời giờ cho bữa ăn trong khung cảnh gia đình tề tựu. Ở Sardinien người ta rõ ràng không ăn để sống, mà sống để thưởng thức món ăn. Không lạ gì khi cho đến nay vẫn chưa có đại gia nào trong ngành nhà hàng thức ăn nhanh đặt chân đến Sardinien vì ế là cái chắc!

Với người dân Sardinien, ngon miệng là tiêu chuẩn thể hiện chất lượng của cuộc sống. Theo lối nghĩ rất chân phương của họ, không ngon thì ăn làm gì. Trên bàn ăn của người Sardinien bao giờ cũng có thịt cá, gà vịt, ngay cả những món đang làm nhiều thầy thuốc thích khuyên kiêng cữ phải nhíu mày nhăn mặt, như thịt jambon xông khói, xúc xích béo ngậy... Nào chỉ có vậy, dân ở đó tuy không uống bia đến độ bò càng nhưng rượu chát, đỏ hay trắng tùy món ăn, là thức giải khát thường xuyên có mặt trên bàn ăn. Nếu theo đúng kiểu sống ở Sardinien thì yếu tố quyết định để sống thọ chắc chắn không là con số khô khan về tỉ lệ các chất đường, đạm, béo, như lời khuyên theo lý thuyết của thầy thuốc. Trái lại, tác dụng bảo vệ sức khỏe của bữa ăn dường như xuất phát từ tiếng cười giòn giã của thực khách vừa no bụng vừa ấm lòng.

Bí quyết trong tầm tay

Không lẽ trở về với tay trắng nên một phóng viên đành hỏi cầu may ông cụ, năm nay vừa tròn 103 tuổi, đang thưởng thức điếu thuốc vấn dưới tán cây ô liu xanh mướt: “Xin cho biết cụ có bí quyết nào mà sống thọ đến thế?”. Ông già trố mắt ngạc nhiên rồi thong thả trả lời: “Bí quyết gì! Hơi sức đâu mà lo ba cái chuyện tầm phào!”.

Thì ra là thế. Tội cho các nhà nghiên cứu. Tìm chi cho xa khi bí quyết sống thọ chính là cách sống cận kề với thiên nhiên. Trông người mà ngẫm đến ta. Phải chăng cuộc sống không mưu toan, bớt tính toán, đậm tình người là bí quyết sống lâu hơn trăm tuổi? Phải chăng tế bào đâm già trước tuổi vì ngộ độc tham sân si?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG 

Báo Tuổi trẻ

Nhận xét