Chuyện tình Sapa

Chuyện tình Sapa
Tôi nhớ có người bạn từng nói mỗi lần đi Sapa về là lại biết thêm một câu chuyện tình. Tôi lại nhớ đến những 'Chuyện tình Harvard', 'Chuyện tình Praha' của phim Hàn ướt át. Người Việt cũng viết 'Oxford thương yêu', 'Chuyện tình New York' 'ăn theo'. Chưa thấy ai viết những câu chuyện tình trên một địa điểm đặc trưng Việt Nam. Vì thế tôi quyết định 'ăn theo' thêm lần nữa. Mong từ hôm nay các bạn sẽ nhớ đến 'Sapa love story' mỗi lần liệt kê trong đầu những chuyện tình thật sến!
Vũ Thị Thanh Bình
(Truyện ngắn của tôi)
PHẦN I: KHUÊ
Wake me up, when September ends...
Tiếng chuông báo thức từ điện thoại của Khuê kêu to làm hành khách trên toa tàu Hà Nội đi Lào Cai sáng sớm hôm ấy phải trở mình. Mới bốn giờ sáng, mọi người còn đang say giấc sau mấy giờ trằn trọc lăn lộn vì không quen tiếng máy tàu ầm ầm xình xịch bên tai. Nhiều người ném về phía cô gái trẻ đang luống cuống tìm cách tắt chuông điện thoại ngồi bên cửa sổ giữa toa những ánh nhìn khó chịu.
Không gian trở lại với tiếng tàu chạy và gió miết vùn vụt hai bên thành toa đều đặn, nhàm chán. Ngày thường và cũng không phải mùa lễ hội nên toa ghế cứng hôm nay không đông, hầu như chỉ toàn người đi buôn tuyến Hà Nội - Lào Cai lên lấy hàng, lác đác mấy khách du lịch trái mùa như Khuê.

Nhìn ngắm một lượt khắp hai hàng ghế trong toa và yên tâm là mọi người đều đã ngủ lại, không ai phàn nàn gì thêm Khuê mới xốc cổ áo khoác, ngả đầu vào khung cửa sổ để mở, dù gió lùa lẫn cả sương đêm lạnh buốt, tiếp tục ngắm trời đất còn tối đen bên ngoài. Thực ra từ khi lên tàu đến giờ, Khuê chưa hề ngủ, để báo thức chỉ là phòng xa thôi, thế rồi quên bẵng mất. Khuê muốn ngắm nhìn bình minh hé rạng trên những thửa ruộng bậc thang ngun ngút của xứ Tây Bắc. Thời sinh viên, Khuê đã đi qua đi lại tuyến đường này nhiều đến nỗi giờ đây thuộc lòng từng cái ga xép tàu chợ thường hay đỗ lại. Những cái tên xa lạ mà có lẽ cả đời Khuê cũng sẽ không đặt chân xuống đó một lần. Chỉ đơn giản là mỗi lần phải đi lướt qua lại nghĩ về nó trong thoáng chốc rồi lãng quên, thế thôi. Cũng như cuộc đời của Khuê vậy.
Học hành, công việc, cuộc sống hàng ngày... cảm giác như Khuê chưa bao giờ thực sự đặt chân vào cái gì với một niềm đam mê và mong muốn thực sự. Tất cả chỉ là trách nhiệm hoặc những phút ngẫu hứng nửa vời. Mỗi khi trách nhiệm lên tiếng nhắc nhở là Khuê cắm đầu vào hoàn thành, để rồi xong lại trống trải, bần thần. Chăm chỉ học theo khối tự nhiên vì mọi người bảo con đường đó có nhiều lựa chọn, chăm chỉ ôn thi vào một trường đại học danh tiếng, chăm chỉ theo đuổi một chuyên ngành "hot" của xã hội, ra trường tiếp tục chăm chỉ làm việc, công việc nhàm chán mà các đồng nghiệp của Khuê vẫn đùa nhau là "cày hợp đồng và soi chứng từ".
Khuê cũng có những sở thích riêng: hội họa, âm nhạc, phim ảnh... Tiếc thay chưa bao giờ Khuê dồn đủ kiên nhẫn và đam mê để theo đuổi nó đến cùng. Ở một góc nào đấy trong phòng Khuê vẫn luôn có hàng tá những bức tranh vẽ dở cuộn chặt, lem nhem màu một nửa hoặc có khi chỉ mới là phác thảo bằng chì, cùng vô số những hộp màu nước đã khô cong đủ loại. Đã từ lâu Khuê không cầm bút vẽ nữa, khi biết rằng giấc mơ làm họa sĩ nghe có vẻ tươi sáng với một đứa trẻ mười tuổi, nhưng bắt đầu bị coi là dở hơi với một học sinh cấp ba phải lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
"Nếu có thực tài thì đã nổi tiếng từ lâu rồi, cố gắng nữa cũng chẳng đi đến đâu!". Nhận lấy lời góp ý mà Khuê không nhớ nổi là từ bố mẹ hay thầy cô, bạn bè, hay thậm chí từ chính nỗi hoang mang lo sợ của mình, Khuê xếp lại tất cả và cất vào một góc, chỉ mở ra hoài niệm, buồn buồn một chút mỗi khi dọn phòng. Âm nhạc nữa chứ. Khuê tập guitar từ năm lớp 10, đích thị là không phải tài năng, nhưng thầy dạy của Khuê đã chẳng bảo học đàn này chỉ cần chăm chỉ cũng chơi được đó sao.
Khuê chưa bao giờ lấy đủ can đảm để đứng ra biểu diễn trước đám đông, chỉ mỗi lần hứng lên lại cắm đầu cắm cổ tập chơi một bài, ít lâu không động đến lại quên đi, rồi tập lại, cứ thế. Niềm yêu thích với tiếng đàn của Khuê cũng không đủ mạnh để biến nó thành một cái gì đặc biệt hơn. Cuối cùng là phim ảnh, đam mê một thời mà đến giờ mỗi lần nhớ lại đều khiến Khuê thấy xấu hổ về chính mình. Năm cuối đại học, Khuê đăng ký tham gia một lớp học làm phim không chuyên. Cũng phải thi tuyển rồi phỏng vấn ra trò mới được nhận đấy chứ. Khuê cứ đinh ninh rằng mình đã tìm được một lĩnh vực khiến mình thực sự hứng thú và say mê, thậm chí có thể bỏ dở cả con đường đang đi gần đến cuối này để rẽ sang ngả mới.
Sa Pa là một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng thuộc tỉnh Lào Cai. Từ Hà Nội, có thể đi bằng tàu hỏa hay ô tô đến thị xã Lào Cai (376 km). Thị trấn có hơn 200 biệt thự xây dựng theo kiểu phương Tây, nằm xen giữa những rừng đào và những rặng samu, khiến nó mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu. Ảnh: Hồng Liên.
Học cách viết kịch bản, tự quay phim, dựng phim... nhưng rồi lần này Khuê cũng không vượt qua được nỗi sợ hãi khó khăn và thất bại. Đứng trước những cảnh phim dang dở bị phê bình, có nguy cơ phải hủy bỏ và làm lại tất cả từ đầu, một lần nữa Khuê lại buông tay. Trong máy tính của Khuê giờ vẫn còn mấy chục file phim quay dở chẳng để làm gì nữa mà Khuê cứ chần chừ tiếc nuối không dám xóa hẳn, nhưng cũng chẳng giở ra xem lại bao giờ. Không biết khi tình yêu đến, người như Khuê có chán nản sợ hãi mà cũng sớm buông nó ra luôn không?
Những ý nghĩ ấy lần lượt lướt qua đầu Khuê khi bầu trời ngoài toa tàu đã chuyển từ tối đen sang ửng hồng. Chưa lên đến trung tâm Lào Cai nên ruộng bậc thang ở đây còn xen lẫn nhiều nhà cửa và vườn cây ăn quả. Đồi núi cũng còn thấp nên không có cảnh từng lớp ruộng xanh xếp lên nhau ngút tầm mắt, chỉ lác đác năm ba bậc mà thôi. Phía bên kia dãy ghế của Khuê là con sông Hồng ở đoạn thượng lưu đang mải miết chảy dài ngược hướng tàu chạy. Sapa không còn bao xa nữa.
Những hành khách xung quanh lục tục trở dậy, soạn đồ. Ở ga xép cuối cùng, hơn một chục hàng xôi nóng, bánh mỳ tràn lên con tàu, cất tiếng rao lanh lảnh và để lại phía sau bước chân vội vàng của họ một mùi thơm ấm áp của xôi đỗ gạo mới, lá chuối tươi gói giò, bánh mỳ mới ra lò nóng hổi. Khuê lặng lẽ lắc đầu từ chối tất cả những lời mời mọc. Chẳng có tâm trạng hay cảm giác muốn ăn gì cả, dù từ chiều qua đến giờ, thứ duy nhất Khuê động đến là một chai trà xanh mua vội khi lên tàu.
Một cơn đau bất ngờ nhói qua ngực trái làm Khuê rùng mình thu người lại. Cơn đau mà chỉ vài ba tháng trước thôi Khuê cũng chẳng buồn để tâm nhiều, tự nghĩ chắc là do làm việc ngồi nhiều bị cứng cơ mà thôi. Bây giờ khi đã biết đích xác cơn đau từ đâu đến, Khuê chỉ thấy trống rỗng, không buồn mà cũng không sợ hãi gì cả. Bà bác sĩ khám tổng thể trong đợt kiểm tra sức khỏe toàn cơ quan, người đã tế nhị kín đáo thông báo bệnh tình cho Khuê cũng phải ngạc nhiên trước phản ứng như thế.
- Bác thấy cháu bình tĩnh được như vậy là rất tốt. Trong những lúc thế này cần phải bình tĩnh để tìm hướng giải quyết triệt để. Trường hợp của cháu cần phải làm thêm một số xét nghiệm nữa, nhưng kinh nghiệm của bác thì là chắc chắn trăm phần trăm rồi. Cháu nên dần thu xếp công việc và thông báo cho người thân để chuẩn bị tiến hành phẫu thuật đi thôi... Không phải quá lo lắng đâu, bệnh này đã là phụ nữ thì nguy cơ mắc phải rất cao, ở người trẻ như cháu ít hơn nhưng cũng không phải không có. Bây giờ cháu đang ở giai đoạn hai của bệnh. Dù sao cũng may là đã phát hiện ra kịp thời, còn cứu chữa được cháu ạ.
Khuê cứ im lặng lắng nghe bà bác sĩ giải thích về căn bệnh ung thư vú của mình như thế với đôi mắt mở to vô hồn đến gần một tiếng đồng hồ. Người phụ nữ đứng tuổi tốt bụng đồng ý giữ bí mật bệnh tình của Khuê cho đến khi tự giải quyết xong việc ở cơ quan và gia đình, hẹn ngày đến xét nghiệm lại và chuẩn bị lên lịch phẫu thuật. Ra khỏi viện, Khuê tắt điện thoại, lên bờ Hồ gửi xe và lang thang cả ngày trời trong phố cổ, không cần biết đang đi đến đâu, đang ở chỗ nào, cứ bước đi lòng vòng không ngừng nghỉ, đến khi nào kịch đường lại rẽ sang ngả khác. Khuê đã tra cứu trên mạng và sách vở. Ở giai đoạn hai việc phẫu thuật cắt bỏ cả khối u và vú là không thể tránh khỏi, hy vọng sống sau mười năm sẽ còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác...
Những con số quay vòng trước mắt Khuê. Hai mươi tư tuổi đời. Mười năm cuộc sống phía trước với hóa chất và trị liệu, nếu như may mắn có mỉm cười với Khuê. Hơn một năm đi làm, chưa kịp tạo dựng chỗ đứng đáng kể nào trong sự nghiệp. Dù là một công việc Khuê cảm thấy nhàm chán và nhiều lúc ghét nó, nhưng chẳng lẽ tất cả lại kết thúc như thế này? Không một mảnh tình vắt vai. Một tình yêu đích thực với những đam mê say đắm mà mọi cô gái thường mơ ước...
Mà có lẽ như chưa có người yêu lại là hay ấy chứ nhỉ. Nếu có rồi thì sẽ phải đối mặt với người ấy ra sao đây. Khóc lóc, van xin, đau đớn, chia tay, dằn vặt... chỉ tưởng tượng thôi Khuê cũng không chịu nổi. Và còn bố mẹ , gia đình, bè bạn... Khuê nghĩ tới đủ mọi cách có thể dùng để thông báo tin này. Dù Khuê vốn lạnh lùng, hiếm khi có cử chỉ thân mật với những người xung quanh đi nữa thì tất cả những cách Khuê nghĩ được đều kết thúc trong nước mắt đớn đau và thương hại của mọi người. Khuê không muốn bị thương hại, không muốn thấy ai đau khổ vì mình.
Bế tắc, Khuê chọn con đường lẩn trốn, như vẫn thường làm khi thấy khó khăn. Dù biết rằng không thể lẩn trốn mãi nhưng có lẽ một thời gian tránh tiếp xúc với người quen sẽ giúp Khuê bình tâm lại và dễ dàng đối mặt hơn. Chị trưởng phòng ngạc nhiên trước lá đơn xin nghỉ phép mười ngày về lo việc gia đình đặt trên mặt bàn. Hơn một năm làm việc tại đây, Khuê chưa một lần dùng đến ngày nghỉ phép nào, thậm chí là để nghỉ ốm.
Bố mẹ dặn dò vài câu khi Khuê thông báo được cơ quan cử đi công tác miền Nam hơn một tuần, bận họp hành hội nghị nên sẽ không gọi điện về nhà thường xuyên được. Bạn bè ậm ừ tiếc rẻ những cuộc vui chơi hò hẹn hai tuần tới không có Khuê tham gia. Gọi lại cho bà bác sĩ tốt bụng hoãn lịch xét nghiệm và ngày phẫu thuật dự tính của mình, Khuê xếp hành lý, đặt một vé tàu Hà Nội đi Lào Cai, ghế ngồi cứng để có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Không mua ngay vé khứ hồi như mọi khi. Lúc cầm vé đặt chân lên tàu rồi Khuê còn nghĩ mãi, nếu như đây là chuyến đi không phải trở về?...
Khuê yêu Sapa. Nói rằng cả đời này Khuê chưa thực sự say mê yêu thích cái gì thì cũng không thật đúng. Còn có Sapa cơ mà. Cả đất nước có ba khu nghỉ mát trong sương: Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt. Tam Đảo thì chẳng nhắc làm gì rồi, quá bé nhỏ và không có gì đặc sắc. Khuê cũng đã đến Đà Lạt, những hai lần, nhưng lại không thích sự rộng lớn của thành phố này. Và cả cái lạnh nữa. Cái lạnh không bao giờ đạt đến độ buốt giá xuất hiện giữa những con người nói tiếng miền Nam và có làn da cháy nắng cứ có một vẻ lạc lõng không phù hợp thế nào. Cuối cùng Khuê vẫn chỉ chọn Sapa.
Khuê yêu đến độ thời sinh viên cứ hở ra dịp nghỉ nào hơn ba ngày là lại rủ rê bạn bè tập trung mua vé tàu Hà Nội - Lào Cai cho bằng được. Những lần đi du lịch với gia đình cũng phải nài nỉ chọn Sapa. Thuở ấy mỗi năm Khuê phải có mặt ở Sapa đến ba, bốn lần. Từ khi đi làm bận rộn đến giờ thì chưa có dịp nào để lên thăm lại nơi ấy nữa, Khuê vẫn nhớ và mong mỏi luôn. Trước khi phát hiện ra bệnh, Khuê còn lên kế hoạch với bạn bè sẽ quay lại Sapa trong dịp Tết Tây, vì chẳng còn kỳ nghỉ lễ dài nào nữa. Khuê không khỏi bật cười trước ý nghĩ rồi cuối cùng mình cũng thực hiện được dự định này, sớm hàng tháng hẳn hoi, dù có là đi một mình chăng nữa.
Tàu chầm chậm vào ga. Trời sáng hẳn làm cái nóng tháng Bảy bắt đầu lộ diện. Lào Cai hẳn là mát hơn Hà Nội, nhưng mùa hè ở đâu cũng vẫn là mùa hè, chỉ có Sapa khác biệt hoàn toàn đang chờ đợi Khuê mà thôi. Khuê với lấy balô rồi lại ngồi đợi cho đến khi hành khách đã xuống hết. Mọi sự chen lấn xô đẩy và thúc ép đều làm Khuê thấy khó chịu. Đã quen với những chuyến du lịch Sapa, Khuê ra khỏi ga, chọn lấy trong hàng tá những chiếc xe Ford Transit mười sáu chỗ màu bạc giống hệt nhau đang ra sức mời mọc khách mới xuống tàu một chiếc cách xa cửa ga mà tài xế có vẻ đứng tuổi và tử tế nhất. Hơn ba chục cây số đường đèo vòng vo ngoắt nghoéo từ Lào Cai lên thị trấn là thứ duy nhất Khuê không thể quen được trong tình yêu tha thiết dành cho Sapa của mình, nhưng nghĩ đến không khí mát lạnh đang chờ phía trước, sự khó chịu nôn nao trong gần một tiếng này thật chẳng đáng gì.
Nhà thờ Đá nằm ngay trung tâm thị trấn Sapa, Lào Cai. Ảnh: Hồng Liên.
Anh phụ xe sau một hai câu bông đùa với cô gái trẻ nhất chuyến đi và không có vẻ người đi buôn tí nào đang ngồi trên ghế trước chẳng thấy Khuê đáp lại câu gì, chỉ gục đầu xuống cái balô ôm trước ngực lại thôi, quay ra âm ư theo đĩa hát nhạc vàng đang bật với volume gần như cực đại. Khuê chỉ muốn ngẩng lên đề nghị bác tài tắt ngay cái thứ nhạc sến ấy, nhưng cơn đau ở ngực vừa nhói lên, dai dẳng lẫn vào những cú quặt xe xóc tung đầu óc làm Khuê chỉ biết ôm chặt lấy cái balô chịu trận.
Gần đến nơi, những khúc cua tay áo thưa dần, không khí cũng mát mẻ dễ chịu hẳn. Cảm thấy như sức lực trở lại với mình, Khuê ngẩng lên bắt đầu quan sát cảnh vật xung quanh. Còn chưa đến bảy giờ sáng. Chiếc xe vẫn phóng vùn vụt, bỏ lại đằng sau thành phố Lào Cai giờ đã ngập trong nắng hè. Trước mặt Khuê là một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược. Từng đốm mây mù rải rác trên những đỉnh núi bao quanh con đường. Một bên là đồi thông, bạch đàn, keo tai tượng... và cả đồi trọc xen kẽ. Một bên là thung lũng, triền đồi với những đám luồng mướt xanh vẫn không ngừng vươn lên cao vút. Khi ruộng bậc thang ngút ngàn bắt đầu hiện ra, Khuê biết Sapa không còn xa nữa. Đĩa nhạc vàng của bác tài cũng đã chạy hết bài hát cuối cùng, tự ngắt và trả lại cho không gian sự yên tĩnh vốn có. Gió ngàn mát lạnh lướt qua mặt Khuê.
Khuê mỉm cười với những đứa trẻ mắt sáng long lanh, mặt mũi lấm lem, mặc đồ dân tộc, một tay ôm sách vở, một tay dắt em nhỏ đang đi đến trường ngược chiều xe chạy. Sapa đích thực là tình yêu của Khuê rồi. Bác tài cũng phải ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của cô gái trẻ.
- Cái con bé này, lên Sapa gặp người yêu hay sao mà tươi hơn hớn thế kia?
Khuê nháy mắt tinh nghịch, bắt tay làm loa trả lời với về phía chiếc xe còn đang đỗ trước cổng nhà thờ Đá sau khi đã trèo xuống và chạy đi một đoạn:
- Vâng, cháu có hẹn với người yêu ở Sapa đấy bác ạ...

Chuyện tình Sa Pa (2)

PHẦN II: DŨNG
Dũng tỉnh dậy giữa Sa Pa với ý nghĩ mình căm ghét nơi đây khôn tả. Không khí buổi sớm lạnh giá ngập hơi sương làm bệnh viêm xoang tưởng đã khỏi từ lâu lại nhói lên âm ỉ khó chịu.

Thế mà buổi trưa có khi nắng nóng đến toát cả mồ hôi. Dũng ghét cái thứ thời tiết bốn mùa trong một ngày mà dân tình cứ ngợi ca hết lời về Sa Pa. Dũng ghét cả cái khung cảnh nửa quê nửa tỉnh, nửa miền núi nửa thành thị nơi đây nữa. Ôtô xe máy lẫn với ngựa thồ không ngừng chạy lòng vòng khắp mọi nẻo đường, đổ hàng buôn và bắt khách. Đám trẻ con người dân tộc lấm lem đua nhau đeo bám chèo kéo khách du lịch. Chợ thì rặt những hàng Trung Quốc chất lượng hổ lốn rẻ mạt. Nhà thờ đá nằm chơ vơ lạc lõng giữa hàng dãy nhà nghỉ cao tầng, hoài niệm về quảng trường trung tâm uy nghiêm một thời nay đã thành chợ giời bán đủ thứ hàng Tàu tạp nham. "Chỉ còn đợi ai nữa đến trát xi măng lên những viên đá đã trăm năm tuổi kia thôi là đủ bộ..." - Dũng nghĩ thầm vào buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đất Sa Pa.

Những em bé dân tộc trên thị trấn Sa Pa. Ảnh: Hồng Liên.

Mối ác cảm này không chỉ xuất phát từ bệnh nghề nghiệp của một kiến trúc sư tuy tuổi còn trẻ nhưng đã dạn dày kinh nghiệm như Dũng, mà còn từ những ký ức tuổi thơ đau buồn không thể nào quên như một lời nguyền đeo bám Dũng suốt đời. Bố mẹ Dũng đều qua đời trong một tai nạn giao thông ở tuyến đèo từ Sa Pa xuống Lào Cai, trong một đêm mưa gió, đá lở, mười lăm năm trước, ngày Dũng mới mười hai tuổi. Bé dại, chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mồ côi mất mát đã phải chịu cú sốc tinh thần nặng nề khi biết nguyên nhân thực sự gây nên cái chết của bố mẹ mình.

Mẹ Dũng, một người đàn bà đẹp, nhưng lúc nào cũng có một vẻ u sầu. Họ ngoại của Dũng là một nhà khá giả có tiếng lâu đời ở Lào Cai, sau lại có công giúp cách mạng. Cô con gái duy nhất trong nhà từng có thời được cho đi du học Trung Quốc về lâm nghiệp, sau vì chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 mà phải về nước trước thời hạn, trong lòng khi ấy đã ấp ủ mối tình đầu với một sinh viên Trung Quốc khóa trên.

Gia đình tác động để cô được điều về làm việc cho Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn gần nhà, sau lại ra sức mai mối cho cô một nghiên cứu sinh từ Hà Nội lên thực tập, chính là bố của Dũng. Dũng là kết quả giữa tình yêu mê đắm gần như mù quáng của người chồng và sự nhẫn nại cam chịu của người vợ. Lớn lên trong cảnh gia đình yên ấm, yên ấm đến nỗi nhiều khi yên ắng đến nặng nề, đứa con trai nhạy cảm đã lờ mờ nhận ra mối quan hệ bất thường giữa bố mẹ mình.

Người mẹ từ khi lấy chồng, sinh con trong một thời gian chớp nhoáng rồi lại theo chồng về dưới xuôi lập nghiệp chỉ ở nhà lo nội trợ và chăm sóc con cái, ngày ngày lặng lẽ giữa bốn bức tường. Người chồng sau những tháng ngày lâng lâng hạnh phúc, hãnh diện vì lấy được vợ đẹp, con khôn cũng nhận ra những tâm sự giấu kín của vợ, trở nên chua chát và lãnh đạm. Có những tuần dài Dũng thấy bố ở lỳ tại viện nghiên cứu không về nhà và khi đứa con trai cất lời hỏi mẹ tại sao bố đi làm mãi không về cũng chỉ nhận được câu trả lời là sự im lặng. Người mẹ lại đem một quyển sổ tay bìa da nhàu nát, giấy úa vàng ra ngắm nghía rồi ôm mặt khóc nức nở.

Đã có lần Dũng lén lấy quyển sổ giấu trong tủ áo mẹ ra xem, bên trong viết toàn chữ Trung Quốc không hiểu là những thứ gì, ngoài ra chỉ kẹp tấm ảnh chân dung một thanh niên ngoài hai mươi đang ôm cây đàn guitar, mặt mũi sáng láng nhưng vẫn phảng phất vẻ xa lạ khó tả. Đằng sau tấm ảnh có dán một chiếc lá khô vàng óng hình cái quạt. Tất cả chỉ có thế, mà lần nào giở ra rồi mẹ cũng khóc. Sự nhạy cảm mách bảo Dũng không nên dò hỏi mẹ, cũng không cần phải kể với bố.

Cho đến một ngày tháng Bảy, người mẹ vốn quen im lặng kia rụt rè đề nghị với chồng được một mình lên thăm anh trai. Ông bà ngoại Dũng mất chỉ vài năm sau khi con gái theo chồng về Hà Nội. Trước kia cả nhà Dũng vẫn cùng về quê ngoại mỗi dịp giỗ Tết. Nhưng từ khi bác trai, người anh duy nhất của mẹ bán hết gia sản ở thành phố, đem lên Sa Pa tậu một mảnh đất rộng xây nhà nghỉ để kinh doanh, đến mấy năm liền bố không đưa hai mẹ con lên chơi nữa. Căn nhà nhỏ còn lại hai bố con, đã im ắng lại càng lặng lẽ.

Rồi bố Dũng nhận được điện thoại từ một đồng nghiệp cũ ở Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, báo rằng tình địch tưởng như không bao giờ xuất hiện của ông đang ở Sa Pa, là trưởng đoàn một lâm trường Trung Quốc sang kết nghĩa và tặng cây giống cho Việt Nam, vợ ông đang đi cùng người cũ. Hình ảnh cuối cùng Dũng còn nhớ được về bố là đôi mắt đỏ ngầu giận dữ, cái nắm tay lôi xềnh xệch đứa con trai mười hai tuổi sang gửi nhà bà nội, để ông có thể rảnh tay lên bắt vợ về nhà.

Chỉ bác trai của Dũng, chủ khu nhà nghỉ trên Sa Pa mà đôi tình nhân chọn làm nơi hội ngộ sau hơn mười năm xa cách kia biết rõ những gì đã xảy ra trong cái đêm mưa gió ấy. Bố Dũng bất chấp mọi lời khuyên can quyết đưa vợ về xuôi ngay lập tức, sau khi đã cho tình địch một trận thừa sống thiếu chết, làm cho đoàn đại biểu lâm trường Trung Quốc ấy phải hoãn mọi kế hoạch hợp tác mà quay về nước ngay hôm sau. Trong cái đêm định mệnh ấy, đất đá lở của Sa Pa đã cướp đi của Dũng cả mái ấm gia đình, cho dù không thật toàn vẹn nhưng cũng là một mái ấm.

Dũng biết sự thật động trời ấy trong cuộc tranh cãi giành quyền nuôi đứa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ sau hai đám tang đầy nước mắt. Một người cô bên nội không kiềm chế được đã nói ra tất cả khi bác trai bên ngoại đề nghị được đóng góp trách nhiệm chăm lo cho Dũng. Dũng uất hận mẹ đã phản bội gia đình, chấp nhận theo phán quyết của họ nội, cắt đứt liên lạc hoàn toàn với nhà ngoại. Bác trai sau đó đã chuyển di hài của mẹ về an táng tại Sa Pa. Dũng lớn lên, trưởng thành với vết thương lòng chưa bao giờ thôi rỉ máu, tự nhủ lòng mình không bao giờ để bản thân phải tổn thương, bằng mọi giá.

Dũng đã thề sẽ không bao giờ đặt chân lên đất Sa Pa oan nghiệt ấy nữa. Cho đến một ngày nhận được điện thoại của người bác trai, không hiểu thế nào mà lại tìm ra Dũng giữa biển người mênh mông đất Hà thành.
- Bác đi tìm công ty tư vấn kiến trúc để xây lại nhà nghỉ, thấy ảnh giới thiệu về cháu trên mạng đã ngờ ngợ rồi, đến cả tên tuổi cũng giống nữa... Cháu có đôi mắt của mẹ cháu. Chuyện cũ đã qua mười lăm năm nay rồi, cháu không thể tha thứ cho mẹ sao? Sắp đến ngày giỗ của bố mẹ cháu, ít nhất thì cũng lên thăm mộ mẹ lấy một lần chứ...

Ra là cái nhà nghỉ trên Sa Pa đã liên hệ nhờ công ty Dũng tư vấn thiết kế. Dũng đã đề nghị giám đốc từ chối ngay dự án ấy sau khi biết địa điểm, với đủ cớ đường xá xa xôi tốn kém, hiệu quả không cao.
- Bác giờ bệnh tật nhiều rồi, chẳng còn sống bao lâu nữa đâu. Chẳng lẽ cháu không muốn biết sự thật chuyện về bố mẹ trong đêm ấy ư?...

Dũng vội cụp máy nhưng câu hỏi kia cứ vang vọng mãi trong đầu, làm Dũng trằn trọc mất ăn mất ngủ. Sau một tuần, Dũng lên gặp giám đốc, đồng ý nhận dự án và chuẩn bị lên Sa Pa trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Nói dối cô chú, người đã nhận chăm sóc sau ngày bố mẹ mất là phải đi công tác Quảng Ninh dài ngày (chẳng khó khăn gì, công việc của một kiến trúc sư như Dũng tháng nào chẳng phải đi xa ít nhất một tuần), Dũng vội vàng lên Sa Pa tìm bác.

Thị trấn Sa Pa nhìn từ khu Hàm Rồng. Ảnh: Hồng Liên.

Mất một buổi sáng để người đàn ông ngoài sáu mươi tóc bạc gần hết với đủ thứ bệnh tim mạch, huyết áp thôi không thổn thức khi nắm tay Dũng và nhìn mãi vào đôi mắt đen sâu tuyệt đẹp cứ phải quay đi vì ngượng ngùng và khó chịu. Thêm một buổi chiều để người bác ấy cho Dũng biết câu chuyện về đêm định mệnh kia. Bác thú nhận chính mình đã là người làm cầu nối cho em gái và người tình cũ.
- Ông ấy cũng là người tử tế. Năm ấy làm trưởng đoàn đến trao cây giống cho Việt Nam, ăn nghỉ ở nhà bác rồi mới hỏi chuyện, đề nghị bác giúp cho gặp mặt mẹ cháu để nói chuyện kỷ niệm xưa, thế thôi... Ông ấy cũng đã có hai con, biết mẹ cháu đã có gia đình đàng hoàng rồi thì còn đang tâm phá vỡ hạnh phúc nhà người khác làm gì nữa?

Hai người ở đây cũng chỉ dạo chơi, nói chuyện cũ với nhau. Không hiểu có ai nhìn thấy báo về cho bố cháu là mẹ ngoại tình nên mới ra cơ sự... Bố cháu lên đến nơi không nói không rằng cứ lôi người kia ra đánh đấm. Ông ấy cũng không dám đánh trả. Bác với mẹ cháu phải giữ bố cháu lại, giải thích mãi mới nguôi tức... Mẹ cháu đã khóc lóc van xin tha thứ và bố cháu cũng tha thứ rồi... Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà hai bố mẹ cháu làm hòa xong cứ nhất quyết đòi đi xe máy về ngay trong đêm, trời thì mưa gió thế. Bác giận mình đã không kiên quyết ngăn cản, không thì đâu đến nông nỗi. Sau khi biết tin bố mẹ cháu gặp nạn ông ấy cũng vội bỏ về nước ngay, còn tâm trí nào mà đối diện với nỗi đau và mặc cảm tội lỗi? Cháu tha thứ cho bác, tha thứ cho mẹ chứ?

Câu chuyện kể bị ngắt ra liên tục bởi những tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Dũng chẳng hề cảm động hay rơi một giọt nước mắt nào. Chẳng khác mấy so với phiên bản chuyện cũ đã ngày đêm xát muối vào lòng Dũng mười lăm năm qua. Có chăng chỉ thêm việc bố mẹ Dũng đã làm hòa ngay trước khi qua đời, ai biết đâu không phải là một chi tiết hư cấu người bác quá thương em nhớ cháu kia thêm vào để Dũng thôi không oán trách mẹ mình.

Dũng mất cả buổi tối và gần đêm hôm ấy trằn trọc trên giường. Cái lạnh về đêm của Sa Pa thấm hơi sương giá buốt. Mười lăm năm côi cút uất hận đã biến sự nhạy cảm bẩm sinh của Dũng thành ra một thứ vũ khí phòng vệ bản thân chống lại mọi tổn thương tiềm ẩn. Dũng chưa bao giờ có thể mở lòng yêu thương thật sự bao giờ. Dũng đã đón nhận sự chăm sóc hòng bù đắp những mất mát của đứa cháu trai từ những người thân bên nội một cách lạnh nhạt trong cái vỏ lễ phép và cam chịu, không nguôi ngoai đi nổi mặc cảm về thân phận của mình.

Lúc nào Dũng cũng nhìn thấy trong mỗi người con gái đang cố tìm cách làm Dũng quan tâm (luôn có thừa, khiến mấy anh bạn chưa bao giờ hết ghen tị) cái tương lai ẩn chứa dối lừa một ngày nào đó sẽ quay lại làm Dũng đau khổ và anh không bao giờ là người dám đi cho đến trọn một cuộc tình. Chưa đến ba mươi mà lúc nào cũng nặng nề suy nghĩ lo sợ như một ông già. Nhìn vào cái vẻ ăn chơi bất cần đời của Dũng có ai biết nỗi đau ở bên trong hay không?...

Dũng chọn cách dũng cảm quay lại nơi không bao giờ muốn đặt chân tới này để đi tìm câu trả lời cho nỗi đau của mình. Tiếc thay lại là một câu trả lời không hề thỏa đáng. Vậy thì quyết định còn lại cũng chỉ ở Dũng mà thôi. Vết thương lòng đã hơi đóng vẩy, nhưng sẹo thì chắc chả bao giờ tan đi. Dũng không thể tha thứ hoàn toàn cho người mẹ tội nghiệp, cũng không bao giờ có thể lấy lại sự vô tư yêu thương của mình. Nhưng đã lên đến đây rồi, thì hãy cố gắng đối mặt với nó lần cuối. Ngày mai Dũng sẽ theo bác đi viếng mộ mẹ, sau đó giúp bác thực hiện bản thiết kế xây lại nhà nghỉ cũ này thành khách sạn ba sao, rồi sau đó có thể yên tâm mãi mãi đoạn tuyệt với cái đất Sa Pa này.

Đấy là quyết định của Dũng, khi mở mắt ra trong căn phòng nghỉ, sau cái ý nghĩ đầu tiên là ghét cay ghét đắng Sa Pa xuất hiện trong đầu.

Mộ người mẹ nằm yên vị một góc khuất trong nghĩa trang nhỏ đối diện trụ sở của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, nơi bố mẹ Dũng đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Gần mộ ông bà ngoại và cũng khá gần khu nhà nghỉ của bác. Chắc bác quyết định đưa mẹ về đây cho gần gũi và tiện thăm nom. Dũng thắp một thẻ hương, cắm lên mộ mẹ, ngắm nhìn bức ảnh khảm trên bia đá đã phai nhiều nét. Sau ngày đại tang năm xưa, nhà họ nội đã vứt bỏ hết những gì thuộc về mẹ Dũng, không giữ lại tấm ảnh nào. Trên bàn thờ cũng chỉ có hình bố Dũng. Bản thân Dũng cũng đã cố gắng đào sâu chôn chặt những ký ức về mẹ. Để đến bây giờ phải chật vật lấy ra.

Dũng nhớ tới mái tóc dài hơi xoăn gợn sóng, ánh màu nâu sẫm chứ không đen tuyền, mẹ vẫn thường hay gội đầu rồi đứng hong tóc nhìn Dũng chơi cùng các bạn trong khu tập thể. Dũng cũng nhớ nụ cười duyên dáng mà ít khi mẹ khoe ra. Đôi mắt thì bác đã bảo là giống y chang mắt Dũng... Quyển sổ bìa da nhàu nát, tấm ảnh... Chiếc lá khô ánh vàng hình cánh quạt.
- Bác có biết ở đâu quanh đây có loại cây nào lá hình cái quạt không?
Câu hỏi bất ngờ của Dũng làm người bác bối rối mất một lúc.
- Sao cháu lại hỏi thế?... Có cây ngân hạnh trồng ngay trước sân nhà nghỉ đấy. Chắc hôm qua cháu đến chưa để ý. Cây ấy là một trong những cây giống người đàn ông kia mang tới tặng cho Sa Pa, tiếc là chưa kịp chuyển giao kinh nghiệm chăm sóc thì đã phải về nước. Mấy trăm cây con không hợp khí hậu nên chết gần hết cả, chỉ còn sót vài mống. Bác xin đánh một cây về trồng trước nhà, thì lại lên khỏe mạnh... Ngày xưa mẹ cháu đi học về cứ kể mãi chuyện Trung Quốc có những cây ngân hạnh mùa hè lá xanh, mùa thu lá đổi màu rực rỡ như dát vàng ròng.

Vết thương mới liền lại nhói lên. Dũng để bác ở lại một mình trầm ngâm bên những ngôi mộ, ra về trước, định bụng sẽ xem xét quanh khu nhà nghỉ để có thể kết thúc công việc thật nhanh và chia tay nơi này mãi mãi.

Rẽ xuống khỏi con dốc nhỏ, leo vài bậc thang dẫn lên khoảng sân rộng trồng cây cối và hoa cảnh không theo trật tự nào, việc đầu tiên Dũng làm một cách vô ý thức là đưa mắt tìm cây ngân hạnh như lời bác nói. Đập vào mắt anh là một cô gái trẻ có mái tóc dài nhuộm nâu sẫm hơi quăn, balô thả rơi dưới chân, còn hai tay đang níu một cành lá xanh biếc hình rẻ quạt cho chạm vào mặt mình, mắt nhắm nghiền và miệng cười sung sướng.

Chuyện tình Sa Pa (3)

PHẦN III: GẶP GỠ
Dũng bàng hoàng tưởng như nhìn thấy bóng ma bước ra từ quá khứ. Anh đứng lặng nhìn trân trân cô gái hồi lâu. Cô gái sau một hồi mải mê với niềm vui riêng cũng nhận ra đang bị Dũng "chiếu tướng", nhíu mày rồi xách balô quay bước hướng vào nhà nghỉ.

Khuê không tìm đến những khách sạn quen thuộc gần trung tâm thị trấn mỗi khi đi nghỉ cùng gia đình và bè bạn như mọi lần. Xuống xe một cái cô vừa đi vừa chạy băng qua quảng trường, leo lên dãy bậc đá rong rêu đối diện phố Cầu Mây, leo thêm vài con dốc, rẽ trái mấy lần nữa để tìm cho được một nhà nghỉ bình dân xây hai tầng cũ kỹ lọt thỏm giữa muôn vàn khách sạn tư nhân mới xây sang trọng.

Nhà nghỉ có cái tên Ngân Hạnh và trong khoảng vườn rộng trước cửa cũng trồng một cây ngân hạnh khá to, lá tươi tốt lòa xòa. Khuê đã để ý nơi này từ những lần lang thang dạo quanh Sa Pa trước kia, tự nhủ một ngày nào đó sẽ đến đây, để có thể thoải mái chạm vào những chiếc lá hình cái quạt dầy dặn kia, hay thậm chí bứt một vài lá ép làm kỷ niệm.

Cô yêu thích cây ngân hạnh từ khi biết đến màu lá vàng rực của loài cây này mỗi độ vào thu mà những quyển truyện tranh Nhật, Hàn vẫn tả. Khuê tìm kiếm nhiều hình ảnh của sắc lá vàng ám ảnh ấy, nhưng chưa một lần được thấy ngoài đời. Chẳng lần nào cô đến Sa Pa vào được đúng mùa thu để ngắm lá ngân hạnh vàng. "Rồi đến mãi mãi chẳng bao giờ có cơ hội ấy đâu, bây giờ cũng mới chỉ đầu tháng Bảy..." - Khuê nuối tiếc nghĩ như thế khi những chiếc lá xanh mát lạnh chạm vào mặt cô. Và đúng lúc ấy mở mắt ra thấy một người đang đứng nhìn mình chăm chú. Hơi phẫn nộ và bối rối, Khuê ném trả lại một cái cau mày rồi nhặt đồ đi vào đăng ký phòng nghỉ.

Đang mùa vắng khách và vào ngày thường, nhà nghỉ lại ở xa trung tâm, chẳng khó khăn gì để Khuê yêu cầu một phòng giường đôi rộng rãi trên tầng hai, có cửa sổ quay ra thung lũng yên bình đằng sau và tiền thuê không phải là đắt. Gửi chứng minh thư và ký nhận phòng xong, cô cầm chìa khóa đi ngay lên nhà, định bụng sẽ tắm nước nóng cho hết bụi đường rồi muốn làm gì thì làm. Đằng sau người thanh niên bất lịch sự kia vẫn theo bước. Khuê chẳng muốn để ý làm gì nữa. Kỳ nghỉ này là dành cho riêng cô, thế thôi.

Dũng như bị hút hồn bước theo cô gái vào trong sảnh. Trong lúc theo dõi cô đăng ký phòng, lý trí dần trở lại với anh. Những chuyện dồn dập xảy ra mấy hôm nay đúng là làm Dũng phát điên mất rồi. Chưa bao giờ có chuyện anh bị cuốn hút theo một cô gái đến thế. Vì những nét tương đồng với người mẹ đã khuất ư? Ngoài mái tóc nâu nhuộm quăn ra thì chẳng còn điểm gì giống cả. Dũng nhớ lại lời thề sẽ không bao giờ để mình bị tổn thương. "Mong cho tất cả trôi qua thật nhanh và ta lại trở về với cuộc sống của mình thôi!" - Dũng nhủ thầm khi anh nối gót cô gái lên tầng hai về phòng mình.

Phòng của hai người đối diện nhau ở hai đầu hành lang. Bác đã xếp cho anh căn phòng nhìn ra trung tâm thị trấn, chắc lo cháu trai cứ phải nhìn núi non hoang sơ mãi sẽ thấy buồn.

Trái với dự đoán của Khuê, tắm xong, nhấm nháp vài miếng bánh quy mang theo, cô không hề thấy mệt mỏi hay buồn ngủ. Những cơn đau nhói nơi ngực trái cũng không còn. "Tận hưởng đi thôi. Quên hết lo lắng trách nhiệm để tận hưởng những ngày này..." - Khuê lục tìm áo khoác mang theo, Sa Pa đã bắt đầu chuyển mình từ sáng mùa xuân sang trưa mùa hạ, nhưng thỉnh thoảng còn hơi gió lạnh, với lại, cô cũng không biết liệu mình có vui chân mà lang thang đến chiều tối hay không. Giờ này đã hơi muộn để bắt đầu leo núi Hàm Rồng, vì thế Khuê quyết định đi xuống thung lũng Hoa hồng trước.

Kinh nghiệm du lịch Sa Pa của cô thừa đủ để lựa chọn những địa điểm hợp lý tùy thời gian và thời tiết. Khuê cũng không chút băn khoăn về đường sá nơi đây, những lối đi quanh thị trấn nhỏ này cô đã nhớ ghi nằm lòng ngay từ lần đầu đặt chân đến. Đã bảo Khuê yêu Sa Pa mà lại.

Dũng lăn lộn trên giường hồi lâu với mớ tài liệu về nền móng và bản vẽ kỹ thuật cũ của khu nhà nghỉ được bác cung cấp cho hôm trước, không tài nào tập trung để suy nghĩ công việc được. Anh quyết định bỏ tất cả để đi dạo quanh thị trấn đã. "Dù nó xấu xí và lởm khởm thì cũng nên đi thăm dò quan sát xem nên thiết kế cái khách sạn này thế nào cho hợp với sự lởm khởm chung ấy" - Dũng nghĩ thầm khi xuống hỏi quầy tiếp tân về những điểm nên đến ở Sa Pa.

Bác trai vẫn chưa từ nghĩa trang về, nhưng anh chẳng buồn để tâm nữa. Cô nhân viên dọn phòng đồng thời là lễ tân kiêm kế toán nêu cho Dũng mấy cái tên: núi Hàm Rồng, thung lũng Hoa hồng, bản Cát Cát, thác Bạc... Anh chọn luôn Thung lũng Hoa hồng vì chỉ có đường đi đến đấy được mô tả ít ngoắt nghoéo nhất, cứ đi thẳng phố Cầu Mây đến kịch đường, rẽ trái rồi đi thẳng tiếp, dù cho nó có cái tên khá là... không hợp với một người con trai trẻ tuổi đi chơi một mình.

Dũng khéo léo lảng tránh đám trẻ dân tộc bán hàng rong luôn tìm cách buộc những chiếc vòng sợi dệt màu mè vào cổ tay anh và vòi tiền. Sa Pa mùa vắng khách, không dễ dàng gì cho cả những người Kinh và người dân tộc cùng chen chúc trong một thị trấn nhỏ đa phần sống nhờ du lịch kiếm ăn. Thở phào khi bước chân qua cánh cổng gỗ phai bạc hết màu sơn, phải căng mắt ra mới đọc được dòng chữ Sa Pa Rose Valley Resort, Dũng nhìn con đường lát bê tông uốn cong duyên dáng theo sườn đồi, hướng xuống một thung lũng thấp thoáng mấy ngôi nhà nghỉ xây theo kiểu bungalow xen kẽ giữa muôn vàn luống hoa hồng tăm tắp. Ít ra thì cũng có một chỗ kiến trúc gọi là tạm được.

Nhưng càng xuống đến gần thì càng thấy nơi đây hiện rõ vẻ tiêu điều của một khu nghỉ mát cao cấp lâu ngày không được tu sửa, chẳng ai ngó ngàng đến. Cỏ dại mọc chen chúc với cây cảnh trong những khoảng vườn trang trí nhỏ. Hoa hồng thì chắc được trồng vì mục đích cắt ra đem bán chứ không phải để khách du lịch đến ngắm nhìn, bông nào bông nấy đều bị quấn chặt giấy báo. Mấy căn nhà gỗ xinh xinh mối mọt xông khắp nơi, cửa đóng then cài. Không biết lần cuối cùng có người đến nghỉ trong ấy là bao giờ.

Dũng thở dài tách khỏi lối đi chính, lần mò bước vào những con đường mòn dọc ngang các ruộng hoa, chắc do những người làm công ở đây đi lại chăm tưới và thu hoạch lâu ngày thành lối. Phía trước anh có một chiếc xe máy trơ khung chất hoa hồng buộc cao như núi, đang lao như bay từ con đường mòn đi tắt xuống dốc. Chợt bánh xe vấp phải mô đất trồi lên, trong chớp mắt người lái xe đã kịp nhảy ra ngoài, nhưng cái xe vẫn còn đang nổ máy ầm ầm đổ chỏng gọng và hoa hồng rơi ra tung tóe. Dũng chỉ kịp kêu lên một tiếng hoảng hốt rồi lao đến giúp người kia dựng lại xe, tắt máy.

Khi anh nhìn đến những cành hoa rơi vương vãi xung quanh thì lại thấy mái tóc nâu dài gợn sóng quen thuộc đang lúi húi thu nhặt hoa hồng.
- Lại gặp cô ở đây nhỉ...
Câu nói của Dũng buông vào không khí. Chữ cô nghe méo mó không tròn tiếng như cách viết của nó chút nào. Dũng đã định nói là em, cô gái này không thể nhiều tuổi hơn anh được, nhưng chẳng hiểu sao đến khi mở lời anh lại thốt ra như thế. Như thể cái ác cảm với mái tóc giống mẹ anh khiến thâm tâm anh cảm thấy người con gái vô tội kia không đáng được trò chuyện một cách lịch sự.
- Sa Pa vốn nhỏ bé mà - Khuê đáp lại sau khi đã giúp anh lái xe buộc đám hoa cẩn thận gọn gàng. Đứng nhìn chiếc xe đi khuất sau khi người lái đã cảm ơn hai người rồi rít, Khuê phá tan sự im lặng:
- Anh cũng ở cùng nhà nghỉ với tôi nhỉ?
- À... Ừ, tôi là cháu của chủ nhà.
- Có họ hàng ở Sa Pa thì quanh năm tha hồ lên chơi. Anh sướng thật đấy!

Dũng bối rối vì tự nhiên cô gái xa lạ kia lại chêm vào giữa câu chuyện xã giao lạnh nhạt với anh một nụ cười tươi ấm áp thân thiện. Chỉ vì anh là cháu trai chủ nhà nghỉ của cô ấy thôi sao?
- Không, đây mới là lần đầu tiên tôi lên Sa Pa. Tôi lên giúp bác thiết kế xây dựng lại nhà nghỉ ấy thành khách sạn.
- Thế à, lạ nhỉ...
Trong phút chốc Khuê hơi ngạc nhiên không hiểu sao trên đời lại có kẻ từ chối những cơ hội được đến với một nơi tuyệt vời như Sa Pa này, nhưng rồi nhớ lại sự thật rằng chẳng phải ai cũng có chung một đam mê như cô, Khuê dùng những giây im lặng khi hai người tập trung lách qua một đám cỏ dày cao ngang gối vừa mọc sau những trận mưa rào mùa này không thiếu ở Sa Pa để suy nghĩ về hướng đi tiếp theo của câu chuyện.

Đồng nghiệp vẫn bảo ở Khuê có những phút xuất thần nào đó mà tự nhiên người ta chỉ muốn tâm sự, kể lể hết với cô. Chính vì thế mà Khuê mới được nhận vào làm một vị trí phải tiếp xúc khách hàng nhiều dù cô vốn hơi lạnh lùng và ít nói. Khuê cũng không hiểu làm sao lại như thế, chỉ chấp nhận và coi đó như một khả năng trời phú, để ít ra thì cô cũng không phải quá chật vật trong việc kiếm miếng cơm manh áo đời thường, chắc là vậy thôi. Anh chàng bất lịch sự mới quen này có lẽ cũng đang chịu ảnh hưởng của một trong những phút xuất thần ấy đây.

Khuê đến Sa Pa để tìm sự yên bình, cô không muốn vướng thêm bất cứ một mối liên quan nào vào cái tình cảnh vốn đã quá lắm rắc rối của mình nữa. Thế mà lẽ ra chỉ cần nói một câu đơn giản tôi lên Sa Pa lần đầu, anh chàng kia còn tự khai ra việc thiết kế khách sạn nữa. Theo lẽ thường Khuê hẳn sẽ hỏi tiếp anh ta là kiến trúc sư à, rồi anh ta hỏi lại Khuê làm công việc gì... cứ thế chả mấy chốc mà lan đến địa chỉ cơ quan, nhà ở, trường mẫu giáo, tiểu học của nhau, rồi thì tự nhiên cảm thấy thân thiết đến mức có thể hỏi xem tại sao lại đi du lịch Sa Pa một mình giữa mùa này. Khuê không muốn dính vào những thứ ấy nữa nên cô chọn cách im lặng, cắm cúi bước tiếp theo con đường lồi lõm đầy cỏ gai.

Dũng đã chuẩn bị tinh thần để trả lời những câu hỏi xã giao cho trường hợp này, nhưng cô gái kia cứ mãi im lặng. Quen được người khác trầm trồ về nghề nghiệp của mình nên ban đầu anh cũng thấy hơi hụt hẫng. Nhưng nghĩ lại Dũng thầm cảm ơn cô gái đã không tỏ vẻ quan tâm hơn. Anh cũng sẽ không biết trả lời ra sao nếu như cô ta tiếp tục hỏi vì sao anh chưa bao giờ lên thăm bác.

Hai người cứ thế lặng lẽ nối bước nhau đi qua hết đám cỏ rậm rạp. Khuê dừng lại nhặt bỏ những hạt cỏ có lông móc bám đầy hai ống quần jeans xanh. Cô đang mặc một chiếc áo khoác kaki tay lỡ màu be, bên trong là áo thun màu đỏ. Giày thể thao Converse...
Dũng giật mình khi nhận ra mình đang quan sát từng chi tiết trên người cô gái mới quen biết. Nhớ lại ánh mắt khó chịu lần đầu gặp mặt, anh cũng cúi xuống nhặt hạt cỏ trên quần mình. Không nhìn lên một lần nào nhưng hình ảnh cô gái mảnh khảnh đang cúi gập người cứ lởn vởn trong tâm trí. "Chắc là cao chưa đến mét sáu đâu..."

- Anh có muốn đi vòng tiếp đến hết rìa của thung lũng này không? - Câu nói bất chợt vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Dũng.

Anh ngẩng lên, suy nghĩ một giây rồi gật đầu. Cả thung lũng hoa rộng lớn chỉ có hai người đang đứng cạnh nhau, không kể mấy người làm nhiệm vụ chăm sóc hoa còn đang lúi húi pha chế những gói thuốc nhỏ vào nước tưới cây ở tít đầu kia khu vườn. Chẳng lẽ lại từ chối rồi quay về. Mặc dù Dũng không có tí cảm xúc nào về việc tiếp tục men theo lối mòn nhàm chán này thêm nửa giờ nữa, nhưng quay về thì cũng chẳng để làm gì. Yên lặng bước theo chân cô gái như một cái bóng chẳng cần suy nghĩ gì cũng có cái hay đấy chứ.
- Này, tôi là Dũng, cô tên gì?

Khuê giả vờ chưa nghe thấy, cứ dấn chân lên mấy bước nữa. Biết ngay mà. Lẽ ra không nên tội nghiệp hay áy náy trước sự im lặng của mình mà đưa ra đề nghị ấy với anh ta. Bây giờ thì anh ta là người bắt chuyện, Khuê mất thế chủ động của mình rồi.
- Khuê.
- Khuê. Ít người tên như thế lắm... Cô là gì Khuê? Ngọc Khuê à?
Khuê gật đầu mấy cái thay cho câu trả lời trong khi cứ tiếp tục tiến bước.
- Tôi cũng chỉ biết có mỗi một người tên Khuê là ca sĩ nổi tiếng thôi...
Anh ta tự nhiên cất cao giọng và nói như xen lẫn tiếng cười, cứ như thể có điều gì thú vị.

Ở phía trước Khuê khẽ nhíu mày. Lại tiếp tục rồi, nếu không dừng lại chẳng mấy chốc Khuê sẽ được nghe chuyện gia đình, họ hàng của anh ta. Khuê chỉ muốn được ở một mình, không cần thêm những phút bực mình này xen vào nữa. Muốn được như vậy chỉ có một cách. Cô cứ im lặng đi cho đến hết con đường mòn.
Dũng cũng không cất thêm lời nào nữa. Câu trả lời im lặng của Khuê làm anh tự cảm thấy mình hơi vô duyên và tọc mạch.

Sau một lúc ngồi nghỉ trên phiến đá cuối con đường, đã nhẵn bóng lên vì ngày ngày khách du lịch và cả những người làm công ở đây nữa dừng chân, Dũng thấy mình cần phải lịch sự cáo lui trước.
- Tôi có việc phải quay về trước đây, cô đi chơi tiếp nhé!
Khuê hơi ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Cô biết cách chặn tất cả những ý đồ làm quen mà mình không muốn nhận bằng sự im lặng lạnh nhạt là hiệu quả nhất, nhưng không ngờ anh chàng này thoái lui nhanh đến vậy.
- Vâng, chào anh... Mà này, tôi cũng tên Ngọc Khuê nhưng không hề biết hát hay như cô ca sĩ ấy đâu nhé! - Khuê nói với theo khi nhìn thấy bóng dáng anh ta lầm lũi lẫn đi giữa những bụi hoa hồng.

Dũng quay lại và lần nữa ngạc nhiên trước nụ cười tự nhiên nở ra trên môi cô gái vừa mới phút trước còn lạnh lùng xa cách này. Không biết làm gì hơn, anh cười lại rồi vẫy tay chào.

Khuê cũng vẫy tay chào lại. Rồi như chợt tỉnh giấc vì nhớ ra một phút "thương hại" người khác rất có thể đem đến những giờ bực mình cho mình trong tương lai, cô lại cắm cúi quay xuống hai ống quần, không một lần nhìn lên cho đến khi anh ta đi khuất hẳn. Trời chỉ mới quá trưa một chút. Hôm nay, ở Sa Pa là một trưa hè nhiều mây và mát mẻ.

Dũng quay trở về con đường cũ dẫn lên nhà nghỉ. Cây ngân hạnh với màu lá xanh biếc ánh bạc nổi bật chào đón anh từ xa. Sáng nay có Khuê ở đó nên Dũng cũng chưa đến gần được cái cây này. Anh vít một cành lá mọc ngang gần nhất xuống, mân mê những chiếc lá to dày, hằn lên vô số đường gân rắn rỏi mở rộng hình nan quạt. Những chiếc lá xanh đến thế sẽ có một ngày chuyển thành vàng rực rỡ hết thật sao.

Dũng hình dung ra hình ảnh mẹ anh, tuổi đôi mươi ngọt ngào tươi trẻ đứng dưới những tán cây ngợp sắc vàng, cười nói vui tươi với một người đàn ông không phải bố mình. Anh tức giận buông tay đột ngột khiến cành lá vụt lên vụt xuống, đôi ba chiếc lá rách cánh, rơi rụng lả tả. Cô gái tên Khuê có mái tóc gợi nhớ đến mẹ anh nữa, cũng yêu thích loài cây này. Tại sao kẻ đã quen nắm thế chủ động như anh lại có những hành động ngô nghê đến vậy trước cô ta. Liệu có giống như bố anh từng bị thu hút bởi người mẹ xinh đẹp u sầu của anh, dù đã biết bà cất giữ trong lòng một mối tình đầu không bao giờ quên được, chấp nhận thử thách vượt qua cái bóng của người cũ ấy mà cuối cùng cũng đành thất bại đắng cay?

Dũng thấy ghét cả những người con gái yêu thích cây ngân hạnh. Hẳn ở họ phải có một ma lực bí ẩn nào khiến đàn ông dễ dàng mất đi lý trí. Anh tự nhắc lại lời thề không bao giờ để cho mình bị tổn thương, rồi bỏ vào trong nhà, không một lần ngoái nhìn lại những tán ngân hạnh xanh biếc.

Còn tiếp...