Soi tâm mình như soi gương

 Soi tâm mình như soi gương

Một con sói khát nước bèn mon men ra bờ suối. Nhưng khi nhìn xuống dòng nước, nó trông thấy cái bóng của mình. Tưởng là một con sói khác, nó hoảng sợ tru lên rồi bỏ chạy. Nhưng khát quá, nó lại quay trở lại, vẫn là cái bóng đó và sự lầm tưởng đó, nó lại cong đuôi và chạy một mạch. Lần thứ 3, lần thứ 4,…, con sói vẫn không thể vượt qua được cái hình ảnh ám ảnh nó dưới dòng suối. Và cuối cùng người ta tìm thấy xác của một con sói chết khát.

Con sói đã không nhận ra chính mình in hình dưới dòng nước. Con sói sợ chính mình và không dám đối diện chỉ vì con sói không có thói quen “soi gương”.


Nói đến soi gương với con người thì nhà nào cũng có ít nhất một cái gương để soi và với mỗi cá nhân thì cái gương là cái tối thiểu mà mỗi người đều phải có, cho dù ngày nay, khoa học tiên tiến có vô vàn cách làm cho con người soi mình theo những cách hiện đại khác nhau. Đã nói đến gương là để soi. Dù là ai đi nữa thì một ngày cũng soi gương ít nhất một lần. Soi xem mình có vết bẩn trên má không, để lau đi. Soi xem đầu tóc có bù xù không, để chải lại tí chút. Soi xem quần áo, trang phục có bị xộc xệch không, để sửa lại cho gọn và đi làm… Nói chung là chúng ta soi đủ thứ trước gương để chuẩn bị cho một dung nhan, một vóc dáng, một điệu bộ dễ coi hơn và cũng để dễ thương hơn trước khi bắt đầu một ngày mới. Chuẩn bị cho hình dáng bên ngoài như thế là một việc mà hầu như ai cũng giống ai, ai cũng làm cả. Thế nhưng, dùng gương để “soi lại tâm hồn” thì có vẻ như không phải ai cũng làm được.

Đọc đến đây, có người sẽ thốt lên ngay: “Làm sao soi được tâm hồn mình ở trong gương?”. Vậy thì hãy nhớ lại nhé, điệu bộ của chúng ta trong lần soi gương gần nhất như thế nào? Ta cười thật tươi, rạng rỡ, hai tay chống eo, ngúng nguẩy, miệng hát theo nhịp điệu một ca khúc rộn rã… Tâm hồn ta đang vui, đang hạnh phúc lắm, đúng không nào! Và, có lần nào đó, chúng ta bất chợt soi gương và giật mình: “Không phải mình trong gương! Người trong gương có khuôn mặt buồn, nụ cười lạnh lùng, lừ đừ và thiếu sức sống... Còn tôi là một người hoạt bát, vui vẻ, tôi hay cười - 1 nụ cười luôn ấm áp và thân thiện”? Và ta giống chú sói kia, nhìn mình mà cứ tưởng là ai đó, rồi ta sợ chính mình. Đó là khi chúng ta soi tâm hồn mình trong gương đấy.


Khác với hình thức, tâm hồn ta còn có nhiều cách soi khác mà không cứ phải dùng đến gương. Ta soi mình từ người thân, bè bạn, đồng nghiệp và những người giao tiếp với ta. Ta soi mình từ chính mình. Ta soi mình từ cuộc sống xung quanh… Đó mới là những tấm gương thật nhất. Từ những tấm gương vô hình đó, ta soi rõ hơn những hành vi, lời nói và thái độ của mình. Mình hành động như vậy, mình cư xử như vậy… đã hợp lý chưa, có cần phải điều chỉnh gì nữa không? Hay anh ấy, chị ấy hành động, cư xử như vậy có giống với cách ta hành động, cư xử? Vì sao lệch lạc? Cái gì mình cần phát huy? Cái gì mình cần học hỏi, tiếp thu? Cái gì mình phải sửa đổi?...

Ông Trang Tử có viết “Người ta, không ai lại soi mình ở dòng nước chảy, mà soi mình ở dòng nước đứng. Chỉ có cái gì ngưng lặng mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được”. Khi mặt nước lặng yên ta sẽ thấy được cả một bầu trời. Bởi vậy, trong đời sống bận rộn hằng ngày chúng ta cần có những khoảng không gian và thời gian để dừng lại. Đó là những thời khắc đặc biệt của một ngày (trước khi ngủ dậy, lúc nghỉ trưa, trước khi đi ngủ), một tháng (đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng), một năm (ngày đầu năm, ngày cuối năm, ngày sinh nhật, các dịp lễ và sự kiện đặc biệt…). Soi gương đều đặn như vậy không chỉ giúp ta nhìn thấy và nhận ra chính mình mà còn là bí quyết để ta tiến bộ và phát triển.

Cảm ơn những cuộc đời cho ta soi lại mình, để ta nhận ra mình may mắn, để nhiệt tình sống như biển trào lại bùng lên, để ta biết mình phải làm gì…

Ai cũng cần soi lại mình.

Ts.Phan Quốc Việt - Tâm Việt Group